Thừa nhận “đang làm không công” cho nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp viễn thông trong nước vẫn tiếp tục giảm giá cước quốc tế chiều về khiến thị trường trở thành “mảnh đất cằn cỗi”.
“Nuôi béo” doanh nghiệp nước ngoài
Câu chuyện đua nhau hạ cước thanh toán quốc tế chiều về (đối tác nước ngoài trả cho doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cước cuộc gọi từ nước ngoài về) không còn là vấn đề mới bởi từ 7 năm nay – khi dịch vụ này được mở cho nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia đã trở thành vấn đề “nóng”. Thậm chí năm 2003, Viettel khi đó chưa cung cấp dịch vụ di động, cần doanh thu lớn từ dịch vụ này đã định “dựng cờ tựu nghĩa” để thành lập Hiệp hội VoIP. Thế nhưng, câu chuyện đã bất thành bởi doanh nghiệp trong nước khi ngồi với nhau đều lên tiếng đồng lòng chung sức, nhưng khi ra khỏi cuộc họp lập tức phá giá cam kết.
Gần như bất lực trước việc thực hiện đúng cam kết nên những doanh nghiệp muốn giữ giá cước thanh toán quốc tế chiều về để có lợi cho đất nước và doanh nghiệp đành buông xuôi. Sau vài năm tranh giành thị phần, phá giá thị trường thì cước thanh toán quốc tế chiều về đã giảm từ 35 cents/phút xuống còn dưới 4 cents/phút. Khi dịch vụ này chuyển từ “mảnh đất mầu mỡ” thành “mảnh đất cằn cỗi” thì các doanh nghiệp trong nước mới cuống cuồng lên tiếng.
Mới đây, Bộ TT&TT đã có buổi họp với 8 nhà cung cấp dịch vụ kết nối chiều về từ nước ngoài về (VNPT, Viettel, SPT, Hanoi Telecom, CMC, Vishipel, EVN Telecom, VTC) để bàn về vấn đề làm sao chặn đứng hiện tượng các doanh nghiệp Việt Nam đua nhau giảm giá cước kết nối chiều về đến mức không còn lợi nhuận.
Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc Công ty VTI cho biết, hiện các doanh nghiệp trong nước đang tranh giành hạ cước thanh toán quốc tế liên tục, nếu không điều chỉnh kịp thời thì dịch vụ này sẽ không còn lợi nhuận nữa. “Thực tế trong thời gian qua, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này đã không thể ngồi với nhau được vì liên tục phá vỡ cam kết. Vì vậy, cần có bàn tay của Bộ TT&TT can thiệp bằng cách đưa ra mức giá sàn để các doanh nghiệp không bán dưới giá sàn thì mới giải quyết được vấn đề này. Ngay cả Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) trước đây cũng đã khuyến cáo các quốc gia cần đưa cước thanh toán quốc tế trên cơ sở giá thành”, ông Khánh nói. Vẫn theo ông Khánh, hiện nay mức cước thanh toán quốc tế trung bình trên thế giới khoảng 5 cents/phút, nhưng các doanh nghiệp của Việt Nam đã hạ xuống dưới mức trung bình này chỉ còn khoảng 2 – 3,2 cents/phút.
Ông Tô Cường, Phó tổng giám đốc VNPT bổ sung, hiện nay, chỉ cần động thái của Bộ TT&TT giảm cước kết nối trong nước là ngay lập tức hôm sau cước kết nối quốc tế chiều về cũng được các doanh nghiệp Việt Nam giảm theo do nước ngoài ép giá. Vì vậy, cần có biện pháp để giải quyết vấn đề này.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Quang Triệu, Phó Tổng giám đốc SPT cho biết, hiện nay SPT cũng đang chiếm thị phần dịch vụ cước thanh toán quốc tế chiều về ở mức tương đối. Thế nhưng, 2 năm nay dịch vụ này đã tiến sát đến giá thành và sắp lỗ. Vì vậy, các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ này nên ngồi lại với nhau để giữ giá thị trường. “SPT đề nghị Bộ TT&&TT thống nhất giá sàn để nâng giá cước VoIP quốc tế chiều về lên đồng thời thiết lập cổng VoIP quốc gia để kiểm soát dịch vụ này và chống việc lậu cước”, ông Triệu nói.
Ông Nguyễn Hoàng Phong, Giám đốc Digicom (đơn vị thuộc VTC) nhận xét, dịch vụ này đầy tiềm năng, nhưng không mang lại lợi nhuận. Còn ông Võ Quang Lâm, Phó giám đốc EVN Telecom thì cho rằng, chúng ta cần phải bảo vệ thị trường này giống như Mỹ bảo vệ thị trường cá ba sa, hay Nhật bảo vệ thị trường VoIP quốc tế chiều về. Đại diện của CMC cho biết, tình hình thực tế hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang làm không công cho nước ngoài. “Cho dù các doanh nghiệp trong nước có đưa ra cam kết, nhưng sau đó lại áp dụng chiêu khuyến mãi mua 100 phút tặng 100 phút. Đây bản chất là phá giá thị trường”, đại diện CMC nói.
Có thể rút giấy phép nếu vi phạm
Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc của Viettel cho biết, về cơ bản giá thành dịch vụ này của các doanh nghiệp tương đương nhau khi mà cước kết nối trong nước đang chiếm khoảng 80% chi phí của các doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ TT&TT có thể đưa ra giá thành để các doanh nghiệp không được bán thấp hơn giá này. Ông Võ Quang Lâm cho rằng, Bộ TT&TT cần sớm thúc đẩy để các doanh nghiệp thành lập Hiệp hội Viễn thông để giải quyết những vấn đề này. Đồng thời Hiệp hội cũng sẽ đứng ra đóng góp xây dựng cổng VoIP quốc gia trên cơ sở doanh thu của các doanh nghiệp.
Phát biểu tại cuộc họp, tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn Bộ TT&TT có quy định mức giá sàn để chống việc các doanh nghiệp bán phá giá gây thiệt hại cho cả thị trường chung. Thậm chí nhiều doanh nghiệp khẳng định đồng thuận với việc nếu có bất kỳ doanh nghiệp nào vi phạm quy định này thì Bộ TT&TT có thể xử phạt với hình thức cao nhất là rút giấy phép cung cấp dịch vụ.
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, lưu lượng quốc tế chiều về khoảng 3,3 tỷ phút mỗi năm và đem lại doanh thu 140 triệu USD không phải là dịch vụ nhỏ. Sắp tới, với sự cởi mở của Luật Viễn thông chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp nữa tham gia vào thị trường này chứ không chỉ dừng lại ở 8 doanh nghiệp như hiện nay. Vì vậy chúng ta sẽ phải tuân thủ theo luật chơi quốc tế. Chủ trương của Bộ TT&TT sẽ quản lý bằng cơ chế thị trường, tránh việc can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Giá bán dịch vụ sẽ do doanh nghiệp tự quyết định, nhưng không được bán dưới giá thành. “Bộ TT&TT sẽ xây dựng các cơ chế quản lý mới bắt đầu từ năm 2011. Vụ Viễn thông sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ TT&TT để tiến hành thanh tra và xử phạt những doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực này. Nếu doanh nghiệp vi phạm, Bộ TT&TT có thể bắt tạm dừng cung cấp dịch vụ, thậm chí nếu nghiêm trọng có thể rút giấy phép”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định.
Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông của Bộ TT&TT cho biết, nếu thấy cần thiết Bộ TT&TT có thể thành lập đoàn kiểm tra gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và Bộ TT&TT để kiếm tra chéo việc thực thi trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thanh toán cước quốc tế chiều về của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cách quản lý tốt nhất để tránh việc bán phá giá dịch vụ này là các doanh nghiệp tự cam kết với nhau và đây là dạng chế tài cao nhất.
(Nguồn: ICTnews)